Tư vấn dịch vụ toàn quốc

Những thủ tục không thể thiếu khi xin cấp giấy phép xây dựng

11/04/2021

Giấy phép xây dựng là giấy tờ thiết yếu bắt buộc phải có khi bắt đầu tiến hành xây dựng công trình. Việc thi công xây dựng công trình không chỉ là hoàn thiện về mặt kiến trúc, kết cấu mà còn phải đảm bảo được tính pháp lý của nó. Tuy nhiên, thủ tục này thường cần rất nhiều thời gian của Chủ đầu tư. Ngoài các trường hợp được đề cập tại khoản 2 điều 89 Luật xây dựng 2014 về công trình được miễn giấy phép xây dựng thì còn lại các công trình xây dựng sẽ đều phải xin giấy phép xây dựng mới có thể đi vào thi công xây dựng công trình.

  Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem những thủ tục và hồ sơ pháp lý gì cần thiết để có thể tiến hành xin giấy phép xây dựng.

1. Giấy phép xây dựng là gì?

Tại Việt Nam, theo Khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định thì đưa ra định nghĩa về giấy phép xây dựng như sau: giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

Vậy, chúng ta có thể hiểu rằng giấy phép xây dựng là loại văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm xác nhận việc cho phép những cá nhân, tổ chức được phép xây dựng nhà ở, công trình theo mong muốn trong phạm vi nội dung được cấp phép. Nó cũng là công cụ để xác định được các công trình xây dựng có thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt hay không.

2. Các loại giấy phép xây dựng.

Tùy theo nhu cầu, mục đích của Chủ đầu tư mà chúng ta có thể chia giấy phép xây dựng thành các loại như sau:

Giấy phép xây dựng mới: Chủ đầu tư khi muốn xây mới công trình sẽ được cấp loại giấy phép này.

Giấy phép di dời: Trường hợp Chủ đầu tư công trình muốn di dời công trình thì cần phải xin cấp giấy phép này từ cơ quan chức năng.

Giấy phép cải tạo, sửa chữa: Áp dụng cho trường hợp Chủ đầu tư cần cải tạo công trình, có ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu, diện tích, công năng sử dụng hoặc thay đổi mặt ngoài công trình ảnh hưởng đến môi trường, an toàn công trình…

3. Những nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng.

Theo điều 90, Luật xây dựng 2014 quy định, trong giấy phép xây dựng sẽ bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Tên công trình thuộc dự án;

- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư;

- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình, tuyến xây dựng công trình;

- Loại, cấp công trình xây dựng;

- Cốt xây dựng công trình;

- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng;

- Mật độ xây dựng (nếu có);

- Hệ số sử dụng đất;

- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung nếu trên còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng trệt, số tầng, chiều cao tối đa toàn công trình.

- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

4. Những hồ sơ cần chuẩn bị để tiến hành xin giấy phép xây dựng đối với công trình đơn lẻ.

Căn cứ khoản 1, điều 95 Luật xây dưng 2014, những hồ sơ xin cấp phép xây dựng sẽ bảo gồm:

- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo mẫu;

- Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất như sổ đất, giấy tờ chuyển nhượng, mua bán, cho thuê…

- Trích lục bản đồ, đo đạc trên thực địa hoặc sơ đồ ranh giới;

- Bản vẽ thiết kế xin phép xây dựng;

- Bản cam kết đảm bảo an toàn cho các công trình liền kề.

Bản vẽ thiết kế xây dựng được phế duyệt cần có các bản vẽ sau:

- Bản vẽ mặt bằng – mặt đứng – mặt cắt công trình theo tỉ lệ quy định;

- Bản vẽ mặt bằng – mặt cắt móng;

- Mặt bằng các tầng;

- Mặt bằng cấp thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống điện nước;

- Sơ đồ vị trí, chỉ dẫn.

5. Thủ tục nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng.

Bước 1: Chuẩn bị các hồ sơ theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã, phường.

Bước 3: Phòng quản lý đô thị thành phố tiếp nhận hồ sơ và tiến hành thẩm tra trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy phép;

Nếu còn thiếu giấy tờ, hồ sơ thì sẽ được đề nghị người nộp cung cấp bổ sung.

Nếu hồ sơ đầy đủ, người nộp sẽ nhận được biên nhận và giấy hẹn trả kết quả.

Bước 4: Tổ chức, cá nhân nhận giấy phép tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của ủy ban nhân dân thành phố.

 

Công ty CP Tư vấn Kiểm định Xây dựng Quốc Tế